[ Thoái hóa khớp gối là bệnh gì ] : Triệu chứng , cách chữa tận gốc

Tham vấn y khoa : Bác sĩ
Hà Văn Hương
Chuyên mục
Bệnh xương khớp
October 23, 2020

Thoái hóa khớp gối là bệnh gì . Dưới đây là nguyên nhân , triệu chứng , cách chữa , biến chứng , các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối . Bên cạch đó là chế độ ăn uống , tập luyện . Cùng tìm hiểu nhé !

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp hay còn được gọi là viêm xương khớp (OA), đây là tình trạng lớp đệm tự nhiên giữa các sụn khớp bị mòn đi. Điều này xảy ra dẫn đến xương khớp cọ xát với nhau và giảm khả năng giảm sốc của sụn. Xương khớp cọ xát với nhau dẫn đến sưng, đau, cứng, giảm khả năng vận động, thậm chí có thể hình thành gai xương.

Thoái hóa khớp là một bệnh lý mãn tính, thường xảy ra ở những người cao tuổi, đặc biệt là từ 40 đến 60 tuổi. Theo các nhà khoa học, tác nhân hàng đầu dẫn tới thoái hóa khớp là do quá trình lão hóa tự nhiên của con người hoặc hay phải chịu áp lực quá tải kéo dài.

Các giai đoạn thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là tình trạng lớp đệm tự nhiên giữa các sụn khớp ở đầu gối bị hao mòn. Đây là một hậu quả của quá trình mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại sụn khớp.

Thoái hóa khớp gối phát triển một cách âm thầm, thường phải mất một vài năm để phát triển. Các triệu chứng ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng nên rất khó để phát hiện sớm.

Những giai đoạn phát triển của bệnh:

Giai đoạn 1: Khởi phát

Tình trạng loãng xương có thể phát triển ở đầu gối, có thể gây ảnh hưởng nhẹ đến sụn khớp. Giai đoạn này thường không có sự hao mòn rõ ràng của lớp đệm tự nhiên giữa sụn khớp.

Những người bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 1 thường không cảm thấy đau nhức hoặc cảm thấy khó chịu, hình ảnh khớp trên X-quang cũng bình thường.

Giai đoạn 2: Nhẹ

Ở giai đoạn này, người bệnh có thể cảm nhận được những triệu chứng và bác sĩ có thể phát hiện ra một số dấu hiệu thoái hóa khớp.

Những hình ảnh X-quang khớp đầu gối và phương pháp khác có thể cho thấy sụn khớp bắt đầu hao mòn đi. Không gian giữa các xương vẫn xuất hiện bình thường nhưng khu vực các mô và xương gặp nhau sẽ bắt đầu cứng lại.

Khi các mô cứng lại sẽ khiến cho xương phát triển và dày hơn. Một phần xương mỏng cũng có thể sẽ phát triển ở bên dưới sụn của khớp. Lúc này, người bệnh có thể bị cứng khớp hoặc đau nhức ở khớp. Khu vực xung quanh khớp gối có thể bắt đầu cảm thấy khó chịu và cứng sau khi ngồi trong một thời gian dài.

Người bệnh có thể có một số ảnh hưởng nhỏ, các xương không cọ xát vào nhau. Chất nhầy hoạt dịch vẫn còn, nó giúp giảm ma sát và hỗ trợ chuyển động của đầu gối.

Xem thêm : [ Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì ] : Triệu chứng và cách chữa !

Giai đoạn 3: Trung bình

Khi bước sang giai đoạn 3, những tổn thương của sụn khớp đã bắt đầu phát triển, khoảng cách giữa các xương bị thu hẹp, hình ảnh X-quang sẽ cho thấy sự hao mòn sụn khớp rõ ràng.

Người bệnh bắt đầu cảm thấy đau và khó chịu khi thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi bộ, uốn cong, chạy bộ, quỳ. Khi thoái hóa khớp phát triển, sụn khớp tiếp tục hao mòn và vỡ ra. Xương sẽ phản ứng bằng cách phát triển dày lên ra bên ngoài để tạo thành cục.

Các mô ở khớp sẽ bị viêm và có thể tiết ra chất lỏng hoạt dịch, điều này dẫn đến sưng. Đây được gọi là tình trạng viêm bao hoạt dịch đầu gối.

Giai đoạn 4: Nặng

Đây là giai đoạn phát triển mạnh nhất của thoái hóa khớp, các triệu chứng xuất hiện rất rõ ràng. Khoảng cách giữa các xương trong khớp tiếp tục bị thu hẹp dẫn đến sụn bị phá vỡ mạnh hơn. Hình ảnh X-quang sẽ cho thấy các đầu xương – tức là sụn khớp đã bị hao mòn hoàn toàn hoặc chỉ còn lại một ít.

Ở giai đoạn này, tình trạng cứng khớp xuất hiện nhiều hơn, viêm liên tục và chất nhầy xung quanh khớp cũng giảm dần. Ma sát trong khớp xảy ra nhiều gây đau nhức khó chịu, nhất là khi di chuyển.

Nếu người bệnh không được điều trị tốt, xương có thể bị biến dạng và đau nhức do hao mòn sụn không đối xứng. Người bệnh có thể phải điều trị phẫu thuật ngay lập tức.

Ai dễ bị thoái hóa khớp gối?

Thoái hóa khớp gối là một bệnh lý xương khớp rất phổ biến. Nó có thể xảy ra ở tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, nguy cơ bị thoái hóa khớp gối bắt đầu tăng mạnh lên khi bước sang độ tuổi 45.

Theo các chuyên gia xương khớp, tỉ lệ thoái hóa khớp ở đầu gối là cao nhất trong những trường hợp thoái hóa khớp khác. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn so với nam giới.

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

Nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa khớp đầu gối là tuổi tác. Hầu như ai khi về già cũng sẽ bị thoái hóa khớp ở một mức độ nào đó. Ngoài ra, có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp gối sớm hơn.

  • Tuổi tác: Khi về già thì khả năng chữa lành và tái tạo lại sụn khớp giảm dần.
  • Cân nặng: Khi cân nặng cơ thể càng lớn sẽ càng làm tăng áp lực lên các khớp, nhất là khớp gối.
  • Di truyền: Những đột biến gen có thể khiến bạn tăng nguy cơ phát triển thoái hóa khớp đầu gối. Hoặc cũng có thể là do bất thường di truyền trong cấu trúc của xương bao quanh khớp gối.
  • Giới tính: Phụ nữ ở độ tuổi 55 trở lên có nguy cơ bị thoái hóa khớp đầu gối cao hơn nam giới.
  • Chấn thương: Những người thường xuyên quỳ, ngồi xổm hoặc nâng tạ nặng (55 pounds trở lên) có thể gây áp lực cho khớp.
  • Vận động viên thể thao: Những người chơi đá bóng, chạy đường dài, tennis có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa khớp gối.
  • Do bệnh lý khác: Những người bị viêm khớp dạng thấp đầu gối sẽ có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp gối.

Triệu chứng thoái hóa khớp gối

Những triệu chứng của thoái hóa khớp đầu gối có thể xuất hiện gồm:

  • Sưng khớp gối
  • Cơn đau xuất hiện và tăng lên khi di chuyển, đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi
  • Cảm giác nóng trong khớp
  • Cứng khớp gối, nhất là vào buổi sáng và khi ngồi lâu
  • Có tiếng kêu rắc rắc khi chuyển động đầu gối
  • Giảm khả năng vận động của đầu gối, người bệnh gặp nhiều khó khăn khi đi bộ, leo cầu thang hoặc vào xe hơi

Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp mới nhất

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối sẽ bắt đầu bằng việc kiểm tra thể chất của người bệnh. Những biện pháp kiểm tra khớp và phạm vi hoạt động của khớp cũng được bác sĩ yêu cầu người bệnh thực hiện.

Bác sĩ sẽ hỏi về lịch sử bệnh của bạn và bất kỳ triệu chứng nào. Bạn hãy chắc chắn liệt kê những yếu tố khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn hoặc tốt hơn để giúp bác sĩ xác định chính xác bệnh. Ngoài ra có thể hỏi về những người thân trong gia đình có ai bị thoái hóa khớp.

Ngoài ra, bác sĩ của bạn có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh bao gồm:

  • Hình ảnh X-quang thoái hóa khớp gối: Có thể cho thấy những tổn thương sụn khớp và đầu xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (Mri): Có thể được yêu cầu nếu hình ảnh X-quang không đưa ra kết quả rõ ràng hoặc tia X cho thấy tổn thương ở mô khớp.
  • Xét nghiệm máu: Có thể giúp loại trừ những bệnh lý xương khớp khác như gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp khác do rối loạn trong hệ thống miễn dịch.

Xem thêm : Đau nhức xương khớp toàn thân là bệnh gì? Nguyên nhân và cách chữa

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Tùy thuộc vào giai đoạn thoái hóa khớp gối và tình trạng phát triển nhanh như thế nào sẽ có lựa chọn điều trị phù hợp.

Điều trị ở giai đoạn 1

Người bệnh có thể sử dụng acetaminophens hoặc các loại thuốc không kê đơn (OTC) khác để giảm triệu chứng đau. Thực hiện kèm các bài tập thể dục giúp xương khớp linh hoạt và chắc khỏe hơn.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số chất bổ sung như glucosamine và chondroitin. Mặc dù chưa có kết quả nghiên cứu nào chứng minh các chất bổ sung giúp ích.

Điều trị ở giai đoạn 2

Người bệnh cần thay đổi lối sống sinh hoạt hàng ngày để tránh những cơn đau khớp gối. Những biện pháp điều trị có thể gồm:

  • Uống thuốc giảm đau
  • Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt
  • Sử dụng nẹp đầu gối để giảm áp lực lên bề mặt khớp

Điều trị ở giai đoạn 3

Những phương pháp điều trị có thể áp dụng bao gồm:

  • Uống thuốc giảm đau OTC như acetaminophen
  • Uống thuốc giảm đau kê theo toa bao gồm: oxycodone hoặc codein
  • Tiêm corticosteroid hoặc axit hyaluronic

Điều trị ở giai đoạn 4

Khi bệnh chuyển sang giai đoạn này, sụn khớp đã hao mòn đáng kể hoặc hết hoàn toàn. Người bệnh cần phẫu thuật ngay để thay thế hoặc sửa lại khớp gối.

Những lựa chọn phẫu thuật thoái hóa khớp gối bao gồm nội soi khớp, cắt bỏ xương và phẫu thuật thay thế khớp mới.

  • Nội soi khớp: Bác sĩ sẽ sử dụng máy nội soi để quan sát không gian khớp. Lúc này bác sĩ sẽ dễ dàng loại bỏ sụn khớp bị viêm hoặc làm sạch bề mặt xương và sửa chữa các mô tổn thương của khớp. Phương pháp phẫu thuật nội soi thường được áp dụng cho những bệnh nhân trẻ tuổi.
  • Cắt bỏ xương: Đây là một phương pháp phẫu thuật nhằm mục đích tạo liên kết đầu gối tốt hơn. Phẫu thuật cắt bỏ xương có thể được yêu cầu nếu bạn chỉ bị tổn thương ở một vị trí của đầu gối.
  • Phẫu thuật thay thế khớp: Đây là một phương pháp phẫu thuật trong đó khớp được thay thế bằng bộ phận nhân tạo làm từ nhựa hoặc kim loại. Phương pháp này thường chỉ áp dụng cho những người trên 50 tuổi bị thoái hóa khớp nặng.

Thoái hóa khớp gối uống thuốc gì?

Bạn có thể sử dụng những loại thuốc giảm đau và thuốc chống viêm không kê đơn như: acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc naproxen natri (Aleve).

Lưu ý, bạn không được uống thuốc không kê đơn quá 10 ngày mà chưa kiểm tra ý kiến bác sĩ. Vì những loại thuốc này có thể gây một số tác dụng phụ nguy hiểm.

Nếu những loại thuốc này không giúp giảm đau, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một số loại thuốc chống viêm hoặc các loại thuốc khác theo toa.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu ra phương pháp điều trị thoái hóa khớp đầu gối bằng tế bào gốc để tái tạo lại sụn khớp đã mất. Tuy nhiên, phương pháp này tốn rất nhiều chi phí và có thể không hiệu quả với những người trên 35 tuổi.

Những tác dụng phụ của cách điều trị bằng tế bào gốc có thể xảy ra bao gồm:

  • Phản ứng bất lợi tại chỗ tiêm
  • Các tế bào sinh sản sai vị trí
  • Sự thất bại của các tế bào để làm việc như mong đợi
  • Nguy cơ của khối u

Thoái hóa khớp gối nên ăn gì?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra chế độ ăn uống kém có thể làm tăng tình trạng thoái hóa do làm tăng enzyme phá hủy collagen và các protein có tác dụng duy trì mô.

Người thoái hóa khớp gối nên ăn những thứ cung cấp các axit béo thiết yếu, chất chống oxy hóa, khoáng chất và vitamin hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giảm đau và giúp mô khỏe mạnh và hình thành xương.

Các loại thực phẩm người thoái hóa khớp gối ăn càng nhiều càng tốt như:

  • Rau tươi (tất cả các loại).
  • Trái cây ăn mỗi ngày đem lại lợi ích tốt cho hầu hết mọi người.
  • Các loại thảo mộc, gia vị và trà: Nghệ, gừng, húng quế, húng tây,… cộng với trà xanh và cà phê hữu cơ điều độ cũng đem lại lợi ích không nhỏ.
  • Thực phẩm probiotics như sữa chua, sữa chua uống,…
  • Cá tự nhiên, trứng và thịt được nuôi hữu cơ: Chứa hàm lượng acid béo omega-3 và vitamin D cao hơn so với các giống nuôi thường. Các nguồn protein, chất béo lành mạnh và các chất dinh dưỡng thiết yếu như kẽm, selen và vitamin B, vitamin D đã được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ bệnh nhân thoái hóa khớp, vì vậy việc bổ sung thêm sữa tươi là điều vô cùng hữu ích.
  • Chất béo lành mạnh như bơ thực vật, dầu dừa, dầu ôliu nguyên chất, các loại hạt.
  • Các loại ngũ cốc và các loại đậu nguyên chất chưa qua tinh chế.
  • Nước xương: Chứa collagen giúp duy trì các khớp khỏe mạnh.

Thoái hóa khớp gối nên kiêng gì?

Nếu bạn bị thoái hóa khớp gối, đôi khi bạn có thể bị đau nặng. Mặc dù không có chế độ ăn uống có thể chữa khỏi thoái hóa khớp gối hoàn toàn, nhưng tránh 8 loại thực phẩm gây viêm đau và giảm bảo vệ tự nhiên của cơ thể sẽ giúp cải thiện bệnh rõ rệt.

Thực phẩm chiên

Thực phẩm chiên, bao gồm thịt chiên và khoai tây chiên, không được khuyến cáo cho những người bị thoái hóa khớp gối.

- Loại bỏ các loại thực phẩm chiên giúp giảm viêm khớp trong khi tăng hiệu quả phòng thủ tự nhiên của cơ thể.

- Thay thế các loại thực phẩm chiên với trái cây tươi và rau nấu chín hoặc chưa nấu chín.

Thịt đỏ

Thịt đỏ cung cấp protein cho cơ thể, nhưng hầu hết người lớn không cần thịt đỏ để có được lượng protein được khuyến cáo hàng ngày.

- Những người bị viêm khớp nên lựa chọn các loại thực phẩm ít béo, như cá, đậu và các loại hạt.

- Khi nấu thịt, tránh chiên hoặc nướng.

Đường và carbohydrate

Một chế độ ăn nhiều đường và carbohydrate làm tăng sản phẩm cuối cùng của glycation tiên tiến trong cơ thể và làm tổn thương các protein trong cơ thể của bạn và gây viêm.

Chất bảo quản

Chất bảo quản có nhiều trong đồ hộp, đồ ăn sẵn sẽ tác động xấu lên tình trạng thoái hóa khớp gối.

- Chúng phục vụ để kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm, nhưng có thể làm tăng đau và viêm ở các khớp.

- Những người mắc bệnh viêm khớp nên luôn cảnh giác với những gì có trên kệ hàng hóa.

Rượu

Việc tiêu thụ rượu với số lượng lớn là rất có hại cho những người bị thoái hóa khớp gối, viêm khớp hoặc bệnh gút.

Tiêu thụ rượu trong một thời gian dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề về khớp, bao gồm viêm khớp, đồng thời làm nặng thêm các triệu chứng hiện có.

Dầu ngô

Tránh một số loại dầu như dầu ngô và dầu cọ.

- Việc sử dụng các loại dầu này trong nấu ăn có thể làm tăng đáng kể tình trạng viêm ở các khớp vì hàm lượng axit béo omega-6 cao.

- Để chống lại tác động của dầu ngô, thay thế bằng dầu cá. Omega-3 có tác dụng ngược lại và có thể giảm đau do viêm khớp dạng thấp.

Thuốc lá

Tránh hút thuốc. Thuốc lá sẽ kích hoạt một số loại viêm khớp, gây ra sự suy giảm trầm trọng hơn cho người hút thuốc đã bị thoái hóa khớp.

Tiêu thụ quá nhiều muối

Thật khó để biết chính xác lượng muối trong thực phẩm bạn mua ở siêu thị. Người bị thoái hóa khớp gối, viêm khớp nên cảnh giác.

- Muối có thể làm tăng viêm khớp, do đó dẫn đến đau lớn hơn.

- Hãy thận trọng vì nhiều công ty đang gia tăng hàm lượng muối trong các sản phẩm của họ để kéo dài hạn sử dụng của sản phẩm.

- Chủ động kiểm soát lượng muối trong chế độ ăn là cách an toàn để bảo vệ sức khỏe.

Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì

Bơi lội, đạp xe đạp, đi bộ là những môn phù hợp với những người bị đau khớp gối do thoái hóa. Chúng gây ít sức nặng đè lên khớp gối hơn so với các môn khác. Lưu ý nên đi với tốc độ bình thường không nên đi quá nhanh hay quá chậm. Lúc khởi động đi chậm nhẹ nhàng trong 2-3 phút. Sau đó tăng tốc dần.

Tập đi bộ dưới nước cũng như các động tác thể dục dưới nước là biện pháp được các nhà khớp học khuyên cho bệnh nhân bị thoái hóa gối.

Với môn đi bộ thì không nên đi quá 30 phút cho một lần đi (20 phút là vừa đủ tốt cho gối). Lựa chọn giày thoải mái và không nên cầm nắm gì khi đi bộ. Tập trung vào từng nhịp thở, đều đặn và sâu. Cần làm nóng khớp gối trước khi đi bộ bằng cách gập duỗi gối, tập căng cơ cẳng chân 5-10 phút. Sau khi đi về cũng không nên ngồi nghỉ ngay mà nên vận động gối nhẹ nhàng trong 5-10 phút.

Với môn yoga, người bị thoái hóa khớp gối nên tham vấn bác sĩ, huấn luyện viên trước khi tập luyện. Tránh các tư thế ảnh hưởng đến khớp gối như tư thế tấn công cao, chiến binh I, tam giác, bồ câu, mũi tên… Khi muốn tập nặng thì tập từ từ, thấy đau thì nên dừng tập ngay.

Cần nhớ, việc tập thể dục như là bước đầu tiên trong quá trình cải thiện cơn đau, tuy nhiên vận động đúng cách cũng là một giúp xương khớp đỡ tổn thương và linh hoạt, kích thích tiết nhiều chất nhờn hơn, dần dần cải thiện tình trạng bệnh.

Phòng ngừa thoái hóa khớp gối

Người bệnh thực hiện những thay đổi dưới đây có thể giúp giảm triệu chứng đau hoặc giảm quá trình phát triển của thoái hóa khớp đầu gối.

  • Duy trì cân nặng: Việc duy trì cân nặng vừa phải sẽ giúp giảm những áp lực lên đầu gối.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu: Nồng độ đường trong máu cao có thể gây ảnh hưởng đến chức năng và cấu trúc của sụn.
  • Tập thể dục hàng ngày: Những bài tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp các khớp linh hoạt và khỏe mạnh hơn, tăng cường sức mạnh cơ bắp khớp đầu gối. Bạn nên đi bộ hoặc bơi trong khoảng 30 phút mỗi ngày.
  • Tránh chấn thương: Những tổn thương ở khớp có thể sẽ phát triển thoái hóa khớp sau này. Bạn nên sử dụng đồ bảo hộ và mang giày vừa vặn khi chơi thể thao để giảm chấn thương.

Như vậy chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về tình trạng thoái hóa khớp gối là gì và những nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh hiệu quả. Hy vọng bài viết này đã mang lại cho mọi người những kiến thức bổ ích nhất.

Hà Văn Hương

Tác giả : Hà Văn Hương

Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 nam học . Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh lý về viêm nhiễm nam khoa. Bệnh lây truyền qua đường tình dục, vô sinh – hiếm muộn, các bệnh lý về đường sinh dục của nam giới . Tôi luôn muốn chia sẻ những kiến thức liên quan đến sức khỏe , y tế cho mọi người !


Bài viết liên quan

Xem toàn bộ bài viết --->

Để lại email để cập nhật kiến thức hàng ngày

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form

Những thông tin trên 2bacsi chỉ mang tính chất tổng hợp , tham khảo . Người bệnh tuyệt đối không được tự ý làm theo mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa . Nguồn tham khảo : 2khoe.com DMCA.com Protection Status Sitemap