Ngứa hậu môn : Tổng hợp 15 nguyên nhân của bệnh và cách chữa hiệu quả

Tham vấn y khoa : Bác sĩ
Trịnh Tùng
Chuyên mục
Bệnh hậu môn
November 20, 2019

Ngứa hậu môn có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như vệ sinh kém, tác dụng phụ của thuốc điều trị, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn,... Mời bạn đọc tìm hiểu nguyên nhân của căn bệnh ngứa hậu môn qua bài viết sau đây của chúng tôi.

Hiện tượng ngứa hậu môn là gì ? Dấu hiệu nhận biết

Hậu môn được biết đến là phần cuối cùng của cơ quan tiêu hóa và có vai trò đào thải phân ra phía bên ngoài. Ngứa hậu môn xảy ra khi vùng da bên trong và xung quanh hậu môn bị ngứa ngáy, gây khó chịu và có thể đi kèm với một số biểu hiện thông thường như sưng viêm, đỏ, tấy, nhức, tụ mủ, chảy máu hoặc dịch.

Ngứa hậu môn có thể xảy ra vào ban đêm, sau khi đi vệ sinh hoặc xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Tổng hợp những nguyên nhân khiến bạn bị ngứa hậu môn

Ngứa hậu môn khiến vùng da xung quanh và bên trong của hậu môn bị kích thích và tổn thương gây khó chịu cho người bệnh. Vì vậy cần tiến hành xác định những nguyên nhân để tiến hành các biện pháp khắc phục phù hợp.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến vùng hậu môn bị kích thích và ngứa ngáy, bao gồm:

1. Vệ sinh kém

Vệ sinh kém là một trong những nguyên nhân khiến vùng da ở hậu môn ngứa ngáy và sưng viêm. Hậu môn là nơi phóng thích chất thải (chủ yếu là phân) ra khỏi cơ thể.

Vì vậy nếu không vệ sinh đúng cách, phân có thể tích tụ tại niêm mạc và gây ngứa ngáy. Trong trường hợp để kéo dài, niêm mạc hậu môn có thể bị ngứa ngáy dữ dội và tăng nguy cơ viêm nhiễm.

2. Bệnh trĩ (lòi dom)

Bệnh trĩ (cách gọi dân gian: bệnh lòi dom) là hiện tượng tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn bị giãn, gây ra hiện tượng xung huyết.

Ban đầu, bệnh trĩ biểu hiện bằng triệu chứng ngứa/ kích thích nhẹ ở vùng hậu môn. Sau đó cơ quan này có thể bị sưng, khó chịu và đau nhức do huyết khối hình thành tại búi trĩ. Ngoài ra ở những người mắc bệnh trĩ, hậu môn có thể bị đau rát và chảy máu sau khi đi đại tiện.

3. Nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là tình trạng niêm mạc hậu môn xuất hiện vết rách sau khi đi đại tiện. Bệnh lý này thường xảy ra ở người có chế độ ăn ít chất xơ, thường xuyên hút thuốc lá, trẻ nhỏ, người già và phụ nữ mang thai.

Vết nứt ở hậu môn thường gây khó chịu, ngứa ngáy, sưng viêm và đau rát. Khi đại tiện, vết rách có thể bị kích thích, dẫn đến hiện tượng chảy máu.

4. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là hiện tượng tổn thương da do tiếp xúc vật lý với dị nguyên (tác nhân gây dị ứng). Vùng da ở hậu môn có thể bị viêm và ngứa ngáy do tiếp xúc xà phòng hoặc ma sát với quần lót.

Nếu ngứa hậu môn do viêm da tiếp xúc, bạn dễ dàng nhận thấy vùng da quanh hậu môn có dấu hiệu đỏ, ngứa ngáy và xuất hiện các mụn nước li ti.

5. Nhiễm giun kim

Nhiễm giun kim là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Giun kim là loài ký sinh trùng sinh sống chủ yếu tại hậu môn của người.

Vào ban đêm, giun cái sẽ di chuyển đến hậu môn và đẻ trứng tại nếp gấp của cơ quan này. Trong quá trình đẻ trứng, giun có thể tiết ra chất gây kích thích và ngứa ngáy vùng hậu môn. Vì vậy nếu ngứa hậu môn do nhiễm giun kim, bạn sẽ nhận thấy triệu chứng xuất hiện chủ yếu vào ban đêm.

6. Tiêu chảy mãn tính

Tiêu chảy mãn tính thường là triệu chứng do hội chứng ruột kích thích, chế độ ăn không đảm bảo hoặc đại tràng bị tổn thương.

Tiêu chảy kéo dài gây tổn thương vùng niêm mạc hậu môn và kích thích phản ứng ngứa ngáy. Ngoài ra ở người bị tiêu chảy mãn tính, tần suất đại tiện thường cao hơn bình thường. Vì vậy phân có thể ma sát với hậu môn và làm tăng nguy cơ ngứa ngáy cơ quan này.

7. Dấu hiệu tiền mãn kinh

Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thường có nồng độ estrogen thấp. Khi hormone nữ suy giảm, âm đạo thường có xu hướng tiết nhiều dịch nhầy. Dịch này không chỉ gây ngứa ngáy âm đạo mà còn kích thích niêm mạc hậu môn.

Trong trường hợp ngứa hậu môn do tiền mãn kinh, bạn có thể nhận thấy một số dấu hiệu đi kèm khác như mệt mỏi, da khô, kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, muộn phiền, mất ngủ,…

8. Sa trực tràng

Sa trực tràng là tình trạng toàn bộ/ một phần trực tràng bị lộn lại và đi ra ngoài qua hậu môn. Sa trực tràng được làm 2 loại, bao gồm sa toàn bộ và sa niêm mạc.

Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết sa trực tràng là vùng hậu môn bị kích thích, ngứa ngáy và có cảm giác sà xuống. Bên cạnh đó bệnh có gây táo bón, đi tiêu nhiều lần, chảy máu khi đi đại tiện,…

9. Khối u ở hậu môn

Khối u (u lành/ u ác tính) ở hậu môn cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa ngáy và khó chịu. Ngoài ra, sự xuất hiện của khối u ở cơ quan này còn gây ra tình trạng chảy máu khi đại tiện, người mệt mỏi, chán ăn và gầy sút.

Nếu khối u lành tính, bạn có thể điều trị bằng cách phẫu thuật. Tuy nhiên với trường hợp u ác, cần tiến hành thăm khám để xác định mức độ và tiến triển của khối u trước khi chỉ định điều trị.

10. Nhiễm nấm/ vi khuẩn do quan hệ đồng giới nam

Quan hệ qua đường hậu môn (quan hệ đồng giới nam) có thể gây ngứa ngáy hậu môn do nhiễm nấm Candida hoặc lậu cầu. Tình trạng này xảy ra khi không sử dụng bao cao su hoặc quan hệ với những đối tượng mắc các bệnh lây nhiễm.

Ngoài triệu chứng ngứa ngáy, nhiễm vi khuẩn và nấm ở hậu môn còn gây chảy máu, đau rát, tiết dịch/ mủ và đau khi đại tiện.

11. Các nguyên nhân khác

Bên cạnh đó, ngứa hậu môn còn có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác như:

  • Căng thẳng thần kinh
  • Mang thai
  • Biến chứng của bệnh tiểu đường
  • Thường xuyên bị táo bón
  • Thừa cân – béo phì
  • Quần lót không được vệ sinh kỹ
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc
  • Ăn thực phẩm gây kích ứng
  • Lạm dụng thuốc nhuận tràng

Xem Thêm : Polyp hậu môn là bệnh gì ? Nguyên nhân, triệu chứng nhận biết

Những nguyên nhân khác gây ngứa hậu môn về đêm

Hiện tượng ngứa hậu môn vào ban đêm cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn khác nhau như:

1. Các bệnh ở trực tràng – hậu môn

Bệnh trĩ (lòi dom), rò hậu môn (mạch lươn), nứt kẽ hậu môn, áp xe hậu môn,… có thể gây đau và ngứa rát hậu môn. Triệu chứng của những bệnh lý này có thể xảy ra vào ban ngày hoặc ban đêm.

Nếu nhận thấy ngứa hậu môn đi kèm với hiện tượng đau rát, chảy máu khi đại tiện, nên tiến hành thăm khám để xác định vấn đề sức khỏe mà bạn mắc phải.

2. Bệnh chàm ở vùng da xung quanh hậu môn

Chàm là tình trạng viêm da mãn tính khá phổ biến. Triệu chứng của chàm có biểu hiện khá đa dạng và có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể – trong đó có vùng da xung quanh hậu môn.

Bệnh chàm đặc trưng bởi tổn thương da có màu đỏ, dày sừng, ngứa ngáy và dai dẳng. Hiện tượng ngứa do chàm thường bùng phát mạnh vào ban đêm hoặc khi thời tiết khô hanh.

3. Viêm âm đạo do nấm

Một nguyên nhân khác gây ngứa hậu môn vào ban đêm là do viêm âm đạo do nấm. Âm đạo và hậu môn là hai cơ quan có vị trí liền kề nhau. Do đó khi nằm, dịch tiết âm đạo có thể chảy ngược về hậu môn khiến vùng da này nhiễm nấm và ngứa ngáy.

Bên cạnh đó, viêm âm đạo do nấm còn gây ngứa vùng kín, khí hư có mùi hôi, kinh nguyệt không đều, đau khi quan hệ,…

Ngứa hậu môn có gây ra nguy hiểm hay không ?

Ngứa hậu môn là triệu trứng thường gặp và xảy ra rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu do mang thai, vệ sinh vùng kín kém, dấu hiệu tiền mãn kinh,... triệu chứng này có thể dễ dàng được cải thiện.

Ngược lại trong trường hợp triệu chứng khởi phát do khối u ở hậu môn, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng,… bạn cần tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất. Ngứa hậu môn kéo dài có thể gây nhiễm trùng, áp xe và hoại tử niêm mạc.

Ngoài ra với một số nguyên nhân nghiêm trọng (ung thư hậu môn), bệnh nhân có thể tử vong hoặc gặp phải các biến chứng nặng nề nếu không được điều trị từ sớm.

Tổng hợp những cách điều trị ngứa hậu môn hiệu quả hiện nay

Ngứa hậu môn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nên để khắc phục dứt điểm triệu chứng này cần tiến hành điều trị theo nguyên nhân bệnh lý.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thuốc trị ngứa hậu môn hoặc áp dụng bài thuốc nam và Đông y để làm giảm triệu chứng này.

1. Sử dụng thuốc trị ngứa hậu môn

Thuốc trị ngứa hậu môn thường được thoa trực tiếp lên da hoặc dùng ở đường uống để làm giảm hiện tượng sưng viêm và ngứa ngáy. Tuy nhiên bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân trước khi chỉ định loại thuốc tương ứng.

Các loại thuốc có thể được sử dụng:

  • Thuốc bôi dưỡng ẩm: Với những trường hợp bị nứt kẽ hậu môn do da khô, bác sĩ có thể yêu cầu dùng thuốc bôi dưỡng ẩm để hạn chế vết nứt và giảm ngứa ngáy.
  • Thuốc bôi chứa Oxide kẽm: Oxide kẽm có tác dụng sát trùng, giảm viêm và hạn chế ngứa ngáy. Loại thuốc bôi này thường được sử dụng cho hầu hết các trường hợp ngứa hậu môn.
  • Thuốc bôi chứa hydrocortisone: Loại thuốc này có tác dụng giảm ngứa và viêm mạnh, thường được chỉ định khi vùng hậu môn bị sưng viêm và xung huyết.
  • Thuốc kháng histamine H1: Với những trường hợp ngứa ngáy nặng vào ban đêm (chủ yếu là do nhiễm giun kim), bạn có thể sử dụng thuốc kháng H1 đường uống để giảm triệu chứng này.

2. Mẹo chữa ngứa hậu môn với thuốc Nam

Thuốc Nam là thuật ngữ bao gồm các loại thảo dược sinh sống và có nguồn gốc từ nước ta. Với tình trạng ngứa hậu môn, dân gian đã tận dụng các thảo dược có đặc tính sát trùng, giảm ngứa và chống viêm để cải thiện cảm giác ngứa ngáy và khó chịu.

  • Nước ép tỏi: Dùng 1 – 2 củ tỏi, bóc vỏ, giã nát và thêm vào một ít nước. Sau đó rửa sạch hậu môn và thoa nước ép tỏi vào, thực hiện 2 – 3 lần để giảm ngứa hậu môn. Cách này thích hợp với trường hợp kích thích hậu môn do nhiễm giun kim.
  • Đắp rau diếp cá: Rau diếp cá có tính mát, giảm viêm và ngứa ngáy. Sử dụng diếp cá giã nát đắp trực tiếp lên hậu môn có thể giảm sưng viêm, đau rát và ngứa ngáy. Ngoài ra, hợp chất thực vật từ rau diếp cá còn hỗ trợ làm bền thành mạch và hạn chế hiện tượng xung huyết. Mẹo giảm ngứa hậu môn bằng diếp cá thích hợp với bệnh nhân trĩ, sa trực tràng và nứt kẽ hậu môn.
  • Thoa bột nghệ: Hàm lượng curcumin trong nghệ có thể giảm ngứa, viêm và phục hồi tổn thương ở hậu môn. Vì vậy bạn có thể hòa bột nghệ với nước, thoa trực tiếp lên hậu môn và rửa lại bằng nước sạch.

Các cách giảm ngứa hậu môn bằng thuốc Nam thường dễ thực hiện, an toàn và ít tốn kém. Tuy nhiên tác dụng của những biện pháp này thường chậm phát huy, vì vậy bạn cần kiên trì khi thực hiện.

Xem Thêm : Nứt kẽ hậu môn là bệnh gì ? Nguyên nhân, triệu chứng nhận biết bệnh

3. Áp dụng bài thuốc Đông y

Ngoài các mẹo chữa từ thuốc Nam, bạn cũng có thể làm giảm ngứa ngáy hậu môn với các bài thuốc từ Đông y sau đây.

Bài thuốc trị ngứa hậu môn do nhiễm giun kim :

Bài thuốc này thích hợp với người bị ngứa ngáy dữ dội vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và khiến cơ thể suy nhược.

  • Bài thuốc uống: Chuẩn bị nam qua tử nhân và tân lang, mỗi thứ 15g. Sắc uống liên tục trong 3 ngày, nên uống khi đói.
  • Bài thuốc đặt: Dùng hặc sắt và bách bộ mỗi thứ 15g, khổ luyện căn bì 30g. Đem các vị tán bột, sau đó đựng trong viên nang. Trước khi ngủ, vệ sinh hậu môn với nước ấm và đặt viên thuốc vào bên trong.
  • Bài thuốc rửa: Chuẩn bị khổ sâm, hặc sắc và bách bộ mỗi thứ 15g và hoa tiêu 6g. Đem các vị sắc thành nước và dùng để rửa hậu môn trước khi ngủ.

Bài thuốc trị ngứa hậu môn do thấp nhiệt :

Ngứa hậu môn do thấp nhiệt đặc trưng bởi tình trạng vùng da xung quanh hậu môn nóng đỏ, ngứa ngáy và khó chịu.

  • Bài thuốc xông rửa: Chuẩn bị khổ sâm và bách bộ mỗi thứ 15g. Sắc đặc, sau đó dùng để xông và rửa hậu môn.
  • Bài thuốc đặt: Chuẩn bị khổ sâm và bách bộ mỗi thứ 30g. Sắc thuốc trong 2 giờ, sau đó trộn với 6g bột hùng hoàng và vo lại thành 15 viên. Tối trước khi đi ngủ nhét vào bên trong hậu môn.

Ngứa hậu môn là một trong những triệu chứng thường gặp. Nếu tình trạng không có cải thiện khi thực hiện các biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà, bạn nên tìm gặp bác sĩ để thực hiện các chẩn đoán cần thiết.

Trịnh Tùng

Tác giả : Trịnh Tùng

Tiến sĩ. Bác sĩ Trịnh Tùng tham giam khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý hậu môn - trực tràng tại một số bệnh viện đa khoa khu vực Hà Nội. Cố vấn chuyên môn (Phẫu thuật) của bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Phụ trách khoa ngoại của Phòng khám Đa Khoa Quốc Tế Cộng Đồng Hà Nội.

Tiến sĩ. Bác sĩ Trịnh Tùng là bác sĩ có hơn 30 năm kinh nghiệm khám, điều trị và phẫu thuật  các bệnh lý hậu môn - trực tràng như: Trĩ, rò hậu môn, polyb hậu môn,... . Với kinh nghiệm,, trình độ chuyên môn, kĩ thuật và phương pháp điều trị tốt, bác sĩ luôn được người bệnh tin tưởng và tín nhiệm.

Đầy đủ thông tin tại : Trịnh Tùng - CEO 2bacsi

Bài viết liên quan

Xem toàn bộ bài viết --->

Để lại email để cập nhật kiến thức hàng ngày

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form

Những thông tin trên 2bacsi chỉ mang tính chất tổng hợp , tham khảo . Người bệnh tuyệt đối không được tự ý làm theo mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa . Nguồn tham khảo : 2khoe.com DMCA.com Protection Status Sitemap