Vitamin C có thực sự giúp điều trị bệnh gout?

Tham vấn y khoa : Bác sĩ
Hà Văn Hương
Chuyên mục
Sống khỏe
October 23, 2020

Vitamin C không những là một loại vitamin thiết yếu mà còn mang lại lợi ích tuyệt vời cho những người được chẩn đoán mắc bệnh gout vì chúng có thể giúp giảm axit uric trong máu.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu lý do tại sao việc giảm axit uric trong máu lại tốt cho bệnh gout và vitamin C có thể góp phần giúp giảm nguy cơ bùng phát các cơn đau do bệnh gout như thế nào.

Bệnh gout là gì?

Bệnh gout là một loại bệnh viêm khớp do tăng acid uric máu vì trong cơ thể người bệnh có quá nhiều acid uric trong máu. 

Gần một nửa số ca bệnh gout bị đau ở ngón chân cái, trong khi những trường hợp khác đau ở ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.

Khi cơ thể chúng ta phá vỡ purin sẽ tạo ra axit uric. Purin có trong cơ thể chúng ta và được tìm thấy trong thực phẩm. Quá nhiều axit uric trong cơ thể có thể dẫn đến sự hình thành các tinh thể axit uric (monosodium urate) có thể tích tụ trong khớp và gây khó chịu. Hầu hết người bệnh đều gặp phải các triệu chứng này vì cơ thể họ không thể loại bỏ axit uric dư thừa một cách hiệu quả.

Những người bị bệnh có thể bị đau bùng phát (khi các triệu chứng xấu đi) và thuyên giảm (thời kỳ hầu như không có triệu chứng). Các đợt bùng phát bệnh gout thường đột ngột và có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần.

Tại sao giảm axit uric trong máu lại tốt cho bệnh gout?

Theo Nguồn tin cậy của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bệnh gout gây ra do có quá nhiều axit uric trong cơ thể. Vì lý do này, bất cứ thực phẩm nào có thể làm giảm lượng axit uric trong cơ thể người bệnh đều có tác động tích cực đến bệnh gout.

Vitamin C có giúp giảm axit uric không?

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin C có thể giúp giảm axit uric trong máu, có thể bảo vệ cơ thể bạn chống lại các cơn đau do bệnh gout bùng phát.

  • Một nghiên cứu với 47.000 nam giới trong khoảng thời gian 20 năm cho thấy rằng những người bổ sung vitamin C có nguy cơ mắc bệnh gout thấp hơn 44%
  • Một nghiên cứu năm 2008 với 1.400 nam giới cho thấy nồng độ axit uric trong máu thấp hơn đáng kể ở những người đàn ông tiêu thụ nhiều vitamin C nhất so với những người tiêu thụ ít 
  • Một phân tích tổng hợp năm 2011 của 13 nghiên cứu khác nhau cho thấy rằng uống bổ sung vitamin C trong 30 ngày làm giảm đáng kể axit uric trong máu, so với giả dược đối chứng không có tác dụng điều trị

Bệnh gout và chế độ dinh dưỡng

Theo Viện Quốc gia về Viêm khớp và các bệnh về cơ xương và da, bạn có thể làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh gout bằng cách hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều purin, chẳng hạn như:

  • Thịt đỏ: thịt bò, thịt lợn và thịt cừu
  • Hải sản: sò, cá ngừ và cá mòi
  • Nội tạng: cật, gan

Song song với việc tránh các thực phẩm có hàm lượng purin cao, bạn hãy cân nhắc các loại thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây và rau quả, chẳng hạn như:

  • Bông cải xanh
  • Bắp cải Brucxen
  • Cải bắp
  • Dưa lưới
  • Súp lơ trắng
  • Bưởi
  • Trái kiwi
  • Cam
  • Ớt đỏ và xanh
  • Dâu tây

Ngoài việc bổ sung vitamin C vào chế độ ăn uống hàng ngày, uống cà phê hay nước ép anh đào cũng làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh gout.

Thực đơn 1 tuần cho người bị bệnh gout

Thực hiện một chế độ ăn uống phù hợp với bệnh gout sẽ giúp người bệnh giảm đau và sưng tấy, đồng thời ngăn ngừa các cơn đau bùng phát trong tương lai.

Dưới đây là thực đơn gợi ý phù hợp với người bệnh gout trong 1 tuần.

Thứ hai

Bữa sáng: Yến mạch với sữa chua Hy Lạp và 1/4 cốc (khoảng 31g) quả mọng.

Bữa trưa: Salad quinoa với trứng luộc và rau tươi.

Bữa tối: Mì ống làm từ lúa mì nguyên cám với gà quay, rau bina, ớt chuông và pho mát feta ít béo.

Thứ ba

Bữa sáng: Sinh tố với 1/2 cốc (74g) quả việt quất, 1/2 cốc (15g) rau bina, 1/4 cốc (59ml) sữa chua Hy Lạp và 1/4 cốc (59 ml) sữa ít béo.

Bữa trưa: Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt với trứng và salad.

Bữa tối: Thịt gà xào rau củ với gạo lứt.

Thứ tư

Bữa sáng: 1/3 cốc (27g) yến mạch, 1/4 cốc (59 ml) sữa chua Hy Lạp, 1/3 cốc (79 ml) sữa ít béo, 1 muỗng canh (14g) hạt chia, 1/4 cốc (khoảng 31g) quả mọng và 1/4 muỗng cà phê (1,2 ml) chiết xuất vani. 

Bữa trưa: Đậu cô ve, rau tươi và lúa mì.

Bữa tối: Cá hồi nướng với măng tây và cà chua bi.

Thứ năm

Bữa sáng: Bánh pudding hạt chia - 2 muỗng canh (28g) hạt chia, 1 cốc (240 ml) sữa chua Hy Lạp và 1/2 muỗng cà phê (2,5 ml) chiết xuất vani với trái cây thái lát tùy chọn. 

Bữa trưa: Cá hồi với salad.

Bữa tối: Quinoa, rau bina, cà tím và salad feta.

Thứ sáu

Bữa sáng: Bánh mì nướng kiểu Pháp với dâu tây.

Bữa trưa: Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt với trứng luộc và salad.

Bữa tối: Đậu phụ xào, rau với gạo lứt.

Thứ bảy

Bữa sáng: Nấm và bí ngòi frittata.

Bữa trưa: Đậu phụ và cơm gạo lứt.

Bữa tối: Bánh mì kẹp thịt gà với salad rau tươi.

Chủ nhật

Bữa sáng: 02 quả trứng ốp với rau bina và nấm.

Bữa trưa: Đậu cô ve, rau tươi và lúa mì.

Bữa tối: Trứng luộc với rau bina và ớt chuông với bánh ngô nguyên cám.

Thực phẩm nên tránh

Nếu bạn dễ bị bệnh gout tấn công đột ngột, hãy tránh thủ phạm chính - thực phẩm giàu purin. Đó là những thực phẩm có chứa hơn 200mg purin trên mỗi 100g.

Bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm có hàm lượng fructose cao, cũng như các loại thực phẩm có hàm lượng purin cao vừa phải, chứa 150–200mg purine trên 100g. Chúng có thể gây ra cơn đau.

Dưới đây là một số thực phẩm giàu purin phổ biến mà bạn nên tránh:

  • Tất cả các loại thịt nội tạng: Chúng bao gồm gan, cật và não
  • Thịt thú săn: Ví dụ như gà rừng, thịt bê và thịt nai
  • Cá: cá trích, cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá cơm, cá tuyết chấm đen 
  • Hải sản khác: Sò điệp, cua, tôm và trứng cá
  • Đồ uống có đường: Đặc biệt là nước ép trái cây và nước ngọt có đường
  • Đường bổ sung: Mật ong, mật hoa cây thùa và xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao
  • Men: Men dinh dưỡng, men bia và các chất bổ sung men khác

Ngoài ra, bạn nên tránh các loại carbs tinh chế như bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh quy. Mặc dù chúng không chứa nhiều purin hoặc fructose nhưng chúng lại ít chất dinh dưỡng và có thể làm tăng nồng độ axit uric.

Những thay đổi về lối sống khác mà bạn có thể thực hiện

Ngoài chế độ ăn uống hàng ngày, có một số thay đổi lối sống có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh gout và các cơn đau gout.

Giảm cân

Nếu bạn bị bệnh gout, việc thừa cân có thể làm tăng nguy cơ bị các cơn gout tấn công. Đó là bởi vì cân nặng dư thừa có thể dẫn đến kháng insulin. Trong những trường hợp này, cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách để loại bỏ đường khỏi máu. Kháng insulin cũng thúc đẩy nồng độ axit uric cao.

Nghiên cứu cho thấy rằng giảm cân có thể giúp giảm kháng insulin và giảm nồng độ axit uric.

Tuy nhiên, bạn hãy tránh ăn kiêng theo cách thiếu khoa học - tức là cố gắng giảm cân thật nhanh bằng cách ăn thật ít. Nghiên cứu cho thấy giảm cân nhanh chóng có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh gout.

Tập thể dục nhiều hơn

Tập thể dục thường xuyên là một biện pháp khác để ngăn ngừa bệnh bùng phát. Tập thể dục không chỉ có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý mà còn có thể giữ cho nồng độ axit uric ở mức thấp.

Một nghiên cứu ở 228 người đàn ông phát hiện ra rằng những người chạy hơn 8km mỗi ngày thì có nguy cơ mắc bệnh gout thấp hơn 50%. Điều này cũng một phần do trọng lượng cơ thể thấp hơn.

Giữ đủ nước

Uống đủ nước có thể giúp giảm nguy cơ bị bệnh gout. Bởi vì uống đủ nước sẽ giúp cơ thể loại bỏ axit uric dư thừa ra khỏi máu, đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu.

Bên cạnh đó, uống nhiều nước rất quan trọng đối với chức năng của thận. Giữ cho thận hoạt động tốt cũng có thể làm giảm sự tích tụ tinh thể axit uric và các cơn gout. Bạn cần đảm bảo luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể và uống nhiều nước, để hỗ trợ điều trị bệnh gout.

Nếu bạn tập thể dục nhiều, thì việc cung cấp đủ nước cho cơ thể thậm chí còn quan trọng hơn vì bạn có thể mất nhiều nước qua mồ hôi.

Hạn chế uống rượu

Rượu là nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn gout. Đó là bởi vì cơ thể có thể ưu tiên loại bỏ rượu hơn loại bỏ axit uric, để axit uric tích tụ và hình thành tinh thể.

Một nghiên cứu với 724 người đã phát hiện ra rằng uống rượu, bia làm tăng nguy cơ bị bệnh gout. Uống 1-2 ly mỗi ngày làm tăng nguy cơ lên ​​36% và 2-4 ly mỗi ngày làm tăng nguy cơ lên 51%.

Bổ sung thực phẩm chức năng vitamin C

Nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin C có thể giúp ngăn ngừa các cuộc tấn công của bệnh gout vì vitamin này giúp giảm mức axit uric.

Vì vitamin C giúp thận loại bỏ nhiều axit uric hơn qua nước tiểu. 

Nghỉ ngơi và thư giãn

Ngoài ra, các cơn đau do gout có thể gây trở ngại cho việc di chuyển và vận động. Để tránh các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, bạn hãy thư giãn và hạn chế di chuyển trong khi khớp bị viêm. Tránh tập thể dục, mang vật nặng, vì chúng có thể làm trầm trọng thêm cơn đau và thời gian bùng phát.

Hiện tại, không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh gout nhưng bệnh này có thể được điều trị bằng chế độ ăn, các loại thực phẩm bổ sung hoặc thuốc kê đơn.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh gout, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc kiểm soát tình trạng bệnh để giảm nguy cơ bùng phát bệnh gout. Cùng với thuốc, bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi chế độ ăn uống bao gồm giảm tiêu thụ thực phẩm giàu purin và tăng lượng vitamin C. Bạn có thể tìm hiểu thêm các phương pháp khác để điều trị bệnh gout tại: https://www.wellway.vn/bi-quyet-suc-khoe/

Hà Văn Hương

Tác giả : Hà Văn Hương

Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 nam học . Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh lý về viêm nhiễm nam khoa. Bệnh lây truyền qua đường tình dục, vô sinh – hiếm muộn, các bệnh lý về đường sinh dục của nam giới . Tôi luôn muốn chia sẻ những kiến thức liên quan đến sức khỏe , y tế cho mọi người !


Bài viết liên quan

Xem toàn bộ bài viết --->

Để lại email để cập nhật kiến thức hàng ngày

Thank you! Your submission has been received!

Oops! Something went wrong while submitting the form

Những thông tin trên 2bacsi chỉ mang tính chất tổng hợp , tham khảo . Người bệnh tuyệt đối không được tự ý làm theo mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa . Nguồn tham khảo : 2khoe.com DMCA.com Protection Status Sitemap